Nằm trên cung đường uốn lượn ven biển thuộc phường Hàm Tiến và Phú Hài (TP. Phan Thiết), những năm gần đây, điểm đến Đá Ông Địa thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, bởi vị trí và vẻ đẹp hoang sơ.
Đá Ông Địa còn hoang sơ, dân dã thu hút khách là bởi còn gắn liền với hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân địa phương, với những chiếc thuyền thúng neo đậu, tạo nên khung cảnh nên thơ của làng chài.
Còn nếu nhìn toàn cảnh, Đá Ông Địa như một bức tranh thủy mặc, với một bên là bãi đá, biển, một bên là đồi cát, gắn liền với câu chuyện tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương.
Không biết từ bao giờ tạo hóa đã ban cho biển Phú Hài một bãi đá nhấp nhô khác lạ. Hàng trăm tảng đá lớn nhỏ màu nâu đen, màu xám trắng ngoi lên mặt nước khi thủy triều xuống tựa như đàn thú biển. Những con sóng bạc đầu đập mạnh vào bãi đá tung bọt trắng xóa. Cứ thế, qua thời gian bãi đá bị sóng, gió bào mòn tạo nên hình thù đa dạng, có tảng đá to mặt nhẵn bóng. Trong đó, duy nhất một tảng đá đen hình thù giống như “ông Địa” lưng hướng ra đại dương, quay mặt vào đất liền. Những người dân làng chài Phú Hài, Hàm Tiến trước lúc ra biển đánh cá đều đến thắp hương khấn vái cầu mong “ông Địa” ban cho những điều tốt lành trong cuộc sống và chuyến biển đánh bắt được nhiều tôm cá. Trên bờ nhiều lữ khách ngồi ngắm cảnh bãi đá nguyên sơ có chỗ phủ lớp rêu xanh bóng. Và cái tên bãi đá “ông địa” có chút thần bí cũng được lan truyền rộng.
Đá Ông Địa hấp dẫn du khách trong và ngoài nước vì nó nằm ở gần cửa ngõ vào Khu du lịch quốc gia Mũi Né.
Hơn nữa, bãi đá “ông Địa” đã che chắn bao con sóng dữ tràn vào bờ. Vì thế, con đường Nguyễn Thông sát với mép biển chưa bao giờ bị sạt lở do sóng biển xâm thực…Để tỏ lòng biết ơn, người dân lập bàn thờ ông Địa ngay khu vực bãi đá. Người dân làng chài ở đây đều truyền tai nhau về sự linh thiêng của Bãi đá. Rất nhiều người tin rằng, họ sẽ gặp được nhiều may mắn nên thành tâm khấn nguyện trước tôn tượng đá”. Hơn 30 năm về trước giao thông trắc trở muốn đến bãi đá phải đi bộ qua bãi cát nóng bỏng, nhưng từ sau khi sự kiện nhật thực toàn phần năm 1995, bãi đá “ông Địa” được nhiều người biết đến, con đường Nguyễn Thông được hình thành và trải nhựa. Và bãi đá “ông Địa” không chỉ là nơi tín ngưỡng của người dân địa phương mà là điểm đến của khách hành hương, lữ khách phương xa về tham quan, chiêm ngưỡng, khám phá những điều kỳ bí về bãi đá. Khu vực xung quanh bãi đá “ông Địa” là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái biển, du lịch tín ngưỡng như: Khu du lịch Sealink, the cliff rersost, Cà Ty rersost…