Hồ Biển Lạc

Hồ Biển Lạc là hồ tự nhiên có từ lâu đời, nối với sông La Ngà qua suối Loăng Quăng. Vào mùa khô nước từ hồ Biển Lạc chảy ra sông La Ngà. Còn mùa mưa nước sông La Ngà dâng cao chảy vào hồ Biển Lạc.

Hồ vào mùa khô diện tích ngập ứng với mực nước thấp nhất khoảng 436ha, mùa mưa ngập với diện tích khoảng 1.659ha ứng với cao trình mực nước lũ lớn nhất +113.79m.


Hồ rộng nhưng không sâu, có vùng bán ngập lớn khoảng 1.000ha. Người dân hai huyện Đức Linh, Tánh Linh sử dụng vùng bán ngập để canh tác sản xuất nông nghiệp trong mùa khô và sử dụng khu vực lòng hồ để nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Các hoạt động này là nguồn thu nhập chính của người dân xã Gia An sinh sống từ lâu đời.

Hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản hằng năm được UBND xã Gia An tổ chức đấu thầu. Về mùa khô, khi nước rút các khu vực bán ngập được nhân dân be bờ, sản xuất nông nghiệp, diện tích trên 500ha (trong quy hoạch sử dụng đất, các khu vực này được quy hoạch là đất một vụ lúa).

Trong vùng bán ngập, trước đây có quy hoạch diện tích khoảng 230ha khai thác đất sét sản xuất gạch ngói, cát xây dựng. Từ năm 1983 người dân đã bắt đầu khai thác sét phục vụ cho việc sản xuất gạch ngói thủ công.

Từ năm 1990 đến nay khu vực này tiếp tục được cấp phép khai thác sét cho 36 tổ chức, cá nhân, hợp tác xã nhằm phục vụ cho các cơ sở sản xuất gạch ngói tại huyện Tánh Linh và Đức Linh.

Ngoài ra, trong lòng hồ trước đây có xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Để xử lý việc này, trong tháng 8-2023 UBND huyện Tánh Linh và Đức Linh đã triển khai xử lý, di chuyển các phương tiện khai thác cát, không cho phép neo đậu trong lòng hồ Biển Lạc.

Nguồn gốc hình thành

Xã Gia An, huyện Tánh Linh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới điển hình với đặc trưng của vùng Đông Nam bộ với 2 mùa mưa và khô rõ rệt. Là xã trung du miền núi nhưng địa hình tuơng đối bằng phẳng. Tổng diện tích tự nhiên trên 10.000 ha, diện tích sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế - xã hội trên 9.000 ha. Gia An hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc trưng của một vùng nông thôn miền Đông Nam bộ, phía bắc có sông La Ngà tạo nên cánh đồng lúa phì nhiêu vùng ven sông, đặc biệt phía tây nam có hồ Biển Lạc với diện tích mặt nước vào mùa mưa lên tới hàng ngàn ha như một biển nước mênh mông lạc vào giữa những cánh rừng núi trùng điệp bạt ngàn. Người xưa cho rằng vì lạc vào giữa vùng núi trùng điệp một biển nước mênh mông nên mới có tên là Biển Lạc. Thật ra Biển Lạc là vùng đất sụt trũng trong cấu tạo địa hình vùng núi sót của dãy Trường Sơn, là khu lòng chảo nhận nước từ các triền núi cao của hệ thống núi Ông đổ xuống và nuớc từ sông La Ngà tràn vào tạo nên vùng ngập nước mênh mông như biển. Mùa khô diện tích mặt nước hồ vẫn còn rộng đến hàng trăm ha. Biển Lạc còn có một nguồn gốc xa xưa nào đó mà nay nước hồ vẫn lờ lợ. Tương truyền ngày trước hồ có nhiều tôm cá ở biển như tôm sú, cá rựa, cá bẹ, cá liệt... Mùa khô nước cạn cá đặc hồ. Người ở khắp nơi đổ về đánh bắt được vô số, họ xẻ cá phơi khô, bỏ đầu cá, ruột cá quanh hồ gây ô uế nặng nề. Ông bà không vui, trời đất nổi giận, một hôm làm sấm chớp, mưa to gió lớn tối trời đất mấy ngày liền, nước hồ dâng tràn mênh mông, cá tôm theo suối Lăng Quăng ra sông La Ngà đi hết về biển. Thế là chấm dứt mùa cá, chờ đến mùa khô việc khai thác lại bắt đầu, cứ thế tiếp diễn. Nước từ hồ Biển Lạc chảy ra sông La Ngà bằng con suối Lăng Quăng tạo thành vành đai bao bọc cả một vùng đất ngập nuớc rộng lớn về hướng tây. Sông La Ngà cũng như hồ Biển Lạc, cá nhiều có tiếng, một mẻ lưới có khi được cả hàng tạ, có con nặng vài chục ký. Chính vì vậy trong nhân dân mới lưu truyền câu ca “cá Biển Lạc, lúa Đồng Kho, quân dân Bình Thuận ăn no diệt thù”.


Mưu sinh nuôi thủy sản trên hồ Biển Lạc

Tháng 9 chưa phải cao điểm của mùa mưa lũ, nhưng nước hồ Biển Lạc đã mênh mông, ngút tầm mắt. Buổi sáng lặng gió, mặt hồ Biển Lạc yên tĩnh. Từ bờ hồ biển lạc giáp khu dân cư thôn 1, đoàn chúng tôi 6 người trên một chiếc xuồng máy lướt êm ả trên mặt hồ hướng về trung tâm lòng hồ nơi nhiều hộ dân ở xã Gia An đang hành nghề nuôi cá lồng bè để phát triển kinh tế.


Thấy đoàn ai cũng mặc áo phao tươm tất cập vào bè nuôi cá, một người đàn ông đang ngồi cắt nhỏ từng con cá trắng giăng lưới từ đêm qua để chuẩn bị cho đàn cá nuôi ăn đã vội nghỉ tay, niềm nở đón chúng tôi. Qua vài lời chào hỏi, ông giới thiệu tên Hoàng Văn Cần, gần 70 tuổi những vẫn còn đam mê nghề cá. Là một trong những người sinh cơ lập nghiệp ở thôn 1, xã Gia An hàng chục năm trước và đã có trên 20 năm hành nghề đánh bắt cá nên ông rất am hiểu về hồ Biển Lạc. Từ nhỏ ông đã biết hồ Biển Lạc này rồi. Lớn lên, lập gia đình ông lại chọn nghề giăng lưới, đặt chà rồi nuôi cá lồng bè để phát triển kinh tế. Các con của ông có tiền ăn học cũng nhờ nghề này. Bây giờ tuổi đã lớn, các con cũng ra trường có việc làm ổn định, trong đó có 2 người đang công tác tại xã Gia An nên ông duy trì nghề cá này chỉ vì thích chứ không nuôi nhiều như trước đây.

Cách bè nuôi cá của ông Cần chừng vài chục mét là bè nuôi của ông Đinh Ngọc Bền cũng ở thôn 1, xã Gia An. Với 2 lồng nuôi, 1 nuôi cá lăng (400 con giống), 1 nuôi cá bống (400 con giống). Là người có thâm niên trên 20 năm nuôi cá lồng bè nên ông Bền am hiểu tận tường từng con nuôi nên lứa cá nào cũng lớn nhanh, khỏe mạnh, năng suất cao. Ông Bền cho biết, hiện nay con giống ông tự kiếm và một ít mua của người dân ở đây. Thức ăn chủ yếu là cá tự nhiên, đánh bắt trên hồ. Mỗi năm, 2 lồng bè này cho thu nhập trên 100 triệu đồng, cuộc sống cơ bản ổn định.

Ông Nguyễn Phú Yến, Chủ tịch UBND xã Gia An cho biết: Lòng hồ Biển Lạc có diện tích mặt nước vào mùa mưa trên 1.600 ha, trong đó có gần 600 ha ngập nước là nơi gần 100 hộ dân ở địa phương là chủ yếu, hàng chục năm nay hành nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản trên hồ Biển Lạc. Hệ sinh thái ở hồ nước ngọt Biển Lạc rất phong phú, có rất nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như: cá thát lát, cá trèn, trạch, cá chép, lăng… Đây cũng là thu nhập chính tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống. Hiện tại trên hồ có 70 lồng bè nuôi các loại cá như cá chình, cá lăng, cá bống… Mùa mưa thì người dân đánh bắt, nuôi thủy sản, còn mùa nắng thì nước rút đến đâu, canh tác lúa đến đó. Khu vực này được quy hoạch là đất 1 vụ lúa.

Định hướng phát triển hồ Biển Lạc

Ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, người cùng đi trong đoàn cho biết: Hồ Biển Lạc là vùng đất trũng hình thành từ lâu nối với sông La Ngà bằng suối Lăng Quăng. Hồ rộng nhưng không sâu, lòng hồ chủ yếu là đất nông nghiệp của người dân và đất ngập nước hiện địa phương đang quản lý. Để đưa vào quản lý và sử dụng đất hiệu quả, tăng tiềm năng, lợi thế khu vực hồ Biển Lạc, phát huy thế mạnh của địa phương, huyện Tánh Linh đã giao cho các ngành, địa phương, trên cơ sở hồ sơ đo đạc Dự án tổng thể 920, rà soát lại toàn bộ diện tích đất tại khu vực hồ Biển Lạc để làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng hiệu quả nhất.

Rời hồ Biển Lạc, chúng tôi cứ tâm đắc câu nói của ông Hoàng Văn Cần: Nếu hồ Biển Lạc được Nhà nước đầu tư phát triển du lịch thì nơi đây sẽ rất đẹp và phát triển hơn.
Marketing

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn