Hòn Cau là một hòn nhỏ thuộc huyện Tuy Phong, cách TP. Phan Thiết khoảng 110 km, cách đất liền khoảng 7 hải lý (khoảng 10 km). Hòn Cau có chiều dài khoảng 1,5 km với diện tích 12,500 ha. Từ lâu, tôi đã luôn ước muốn được đặt chân đến nơi này để được trải nghiệm cảm giác yên tĩnh và cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ mà nơi phố thành không bao giờ có được.
“Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi/Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời/Nghe sóng vỗ dạt dào biển cả/Vút phi lao gió thổi bên bờ…”. Giọng hát trong trẻo, ngọt ngào của cô gái nào đó trên thuyền làm vang động cả không gian, rồi từ từ lắng xuống theo tiếng sóng biển vỗ vào mạn thuyền. Tôi lơ mơ nheo mắt tỉnh dậy sau một giấc ngủ nồng trên con thuyền cách đất liền khoảng 8 km, để đến Hòn Cau. Nơi mà đa số người dân Bình Thuận đều gọi với cái tên thân thuộc - Cù Lao Câu.
Nước biển Hòn Cau trong vắt nhìn thấu tận đáy, quyến rũ như một viên ngọc lục bảo, đẹp mê hồn; một viên ngọc chưa được mài giũa xong. Bao bọc quanh đảo là những rặng dừa cao lớn sum sê, với những tán lá dài thượt, xanh mát. Mỗi khi trời nổi gió, chính những hàng dừa cao vút ấy lại dang rộng “cánh tay” để bảo bọc lấy đảo nhỏ.
Hòn Cau nổi tiếng với quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại khác nhau. Chỉ cần đứng trên mặt nước chúng ta cũng phải trầm trồ cảm thán bởi vẻ đẹp vô cùng kỳ diệu muôn màu, muôn sắc, muôn hình vạn trạng của những rạn san hô ấy. Có loại lớn như một chiếc giường, có loại lại nhỏ bé, xinh xinh như một bông hoa nhỏ; có loại bạch ngọc trắng tinh khiết, giản dị, nhưng cũng có loại sặc sỡ đẹp đến nao lòng. Nhất là khi lặn xuống sâu khoảng 4 - 5m, chúng ta sẽ không khỏi choáng ngợp trước một bức tranh kỳ ảo, sống động.
Bên cạnh đó, Hòn Cau còn có một hệ thống động thực vật vô cùng phong phú. Nơi đây có hơn trăm loại động, thực vật khác nhau, trong đó có sự hiện diện của trên 34 loại thủy sinh quý hiếm, nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau. Đây cũng là một trong những điểm quan trọng của quốc gia trong việc bảo tồn các loài động vật biển quý hiếm, như: vích, yến sào, rùa biển... Nếu đến Hòn Cau từ tháng 4 đến tháng 9, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh tượng vô cùng kỳ thú khi hàng trăm con rùa biển lên bờ đẻ trứng. Chính vì vậy, ở đây có cả những đội cứu hộ chuyên chịu trách nhiệm giúp đỡ để rùa mẹ thuận lợi đẻ trứng và bảo vệ trứng rùa cũng như rùa con mới nở… Tất cả đã tạo nên một Hòn Cau xinh đẹp, tự nhiên và đầy sức quyến rũ.
TRƯƠNG THẢO NGUYÊN
Báo Bình Thuận