Lễ hội cầu ngư lăng Ông Nam Hải xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong

Đối với ngư dân sinh sống ở vùng biển Bình Thạnh huyện Tuy Phong, cũng như các địa phương khác ven biển Bình Thuận khi di cư về phương Nam sinh sống họ mang theo tín ngưỡng thờ thần Nam Hải (cá Voi) vào thờ phụng theo tập tục truyền thống nơi cố hương. Đây là một loại hình tín ngưỡng quan trọng nhất gắn với phong tục tôn thờ cá voi của ngư dân, vừa có yếu tố thần quyền và vừa thực tế làm chỗ dựa tinh thần trong nghề biển. Sơ khai lăng Ông Nam Hải xã Bình Thạnh được tạo dựng đơn sơ, đến đời vua Minh Mạng (1820 - 1840) được xây dựng trên vi mô lớn gồm: Chính điện, Võ ca và Chính môn. Hàng năm tại lăng Nam Hải diễn ra các kỳ lễ sau: cúng cầu ngư đầu mùa diễn ra vào ngày 27/3 và lễ hội cầu ngư chính mùa vào ngày 15 - 16/6 âm lịch hàng năm.


Lễ cầu ngư chính mùa diễn ra vào ngày 15-16 tháng 6 âm lịch năm 2009 được tổ chức long trọng, trang nghiêm theo đúng phong tục tập quán truyền thống của ngư dân từ bao đời nay. Các thế hệ ngư dân Bình Thạnh dù sinh sống ở đâu, đến ngày diễn ra lễ hội cũng hội tụ về đây tham gia khấn bái thần Nam Hải để thể hiện niềm tin tín ngưỡng mãnh liệt và thiêng liêng đã ăn sâu trong đời sống văn hóa tinh thần theo tập tục lâu đời nơi cố hương. Người đi xa bận công việc không về tham dự lễ hội được thì cũng gởi tiền (hương du) về để góp chút tấm lòng thành mua lễ vật cúng tế Ông. Trong năm nay, lễ hội cầu ngư chính mùa thu hút hàng khá đông đảo du khách trong nước, nhất là các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh về đây cùng ăn ở và cùng chứng kiến lễ hội. Vì vậy đã thổi thêm luồng sinh khí, góp phần cho không khí lễ hội thêm sôi động hẳn lên và cũng thể hiện sức sống mãnh liệt của lễ hội văn hóa dân gian trong sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của ngư dân vùng biển nơi đây.


Trình tự các nghi lễ trong lễ hội cầu ngư chính mùa tại lăng Ông Nam Hải xã Bình Thạnh gồm: lễ rước sắc tại đình Bình An, lễ thỉnh Ông Sanh ở bờ biển, lễ cúng tiên, lễ tế Tiền hiền và Chánh lễ tế thần tại Chính điện. Các nghi thức lễ cổ truyền được Ban nghi lễ thực hiện trịnh trọng, tôn nghiêm, phong phú để cầu thần Nam Hải phù trợ cho mùa màng phát triển và bội thu, đời sống con người sinh sôi nẩy nở trường tồn và ngư dân lao động trên biển được bình an. Ban nghi lễ, chánh bái, bồi bái, chấp sự, học trò lễ, đội nhạc đều trong trang phục hành lễ xưa như mặc áo dài và đầu đội khăn đóng. Trong khi thành lễ, theo tập tục ngoài những người có nhiệm vụ ra không cho bất cứ ai vào trong khu vực chính điện.

Ngoài ra, còn mời Đoàn hát Bội ở Bình Dương về diễn xướng trong 3 ngày đêm từ 16 - 19/6 âm lịch. Hát Bội được diễn ra trong 3 ngày đêm liên tục, những đêm ngày hát Bội xóm làng rộn rã trong không khí hội hè, từ trẻ em đến người già đều ăn mặc trang nghiêm, náo nức theo tiếng trống chầu giục giã. Diễn viên diễn xướng, bên dưới khán giả vỗ tay vang và ném tiền thưởng lên sân khấu. Diễn viên hát Bội hăng say diễn xướng theo tiếng trống chầu ngợi khen hát hay, diễn giỏi, lời tuồng thâm thúy…đã làm cho không khí bên trong võ ca thêm náo nhiệt và sôi động .

Đặc biệt, ấn tượng nhất là màn diễn xướng nghệ thuật chèo bả trạo trong các lễ nghi để thể hiện lòng biết ơn của ngư dân đối với sự ưu ái của biển khơi, đồng thời cũng thể hiện tấm lòng biết ơn, ngưỡng mộ của ngư dân đến với Thần Nam Hải đã giúp đỡ ngư dân vượt qua bão tố trong những chuyến đi biển dài ngày và cầu cho mùa biển bội thu. Đội hình của đội chèo bả trạo với trang phục tượng trưng như những người lính thú hầu lễ trong cung đình xưa. Ngoài ra, cách bố trí đội hình hai hàng trạo hai bên, ba tổng ở giữa thực hiện động tác khua mái chèo để con thuyền vượt qua sóng gió về bến an toàn, đây là hình thức mô phỏng hình dáng con thuyền trước đây khi chưa có thuyền máy. Nội dung kịch bản bổn chèo, trong từng đoạn được kết cấu xen kẽ nhiều làn điệu dân gian như: thán lỵ, xướng, phán, báo, nói lối, hát nam… để làm thay đổi tiết tấu và làm cho người nghe, người xem có cảm giác hòa quyện, tập trung vào những tiết tấu, hình thức diễn xướng của chèo bả trạo mà không thấy nhàm chán và khô cứng trong một nghi thức cúng tế thần linh. Tuy là hình thức nghi lễ, sinh hoạt văn hóa tâm linh nhưng lời hát thường sử dụng vốn ca từ, các làn điệu, dân ca, dân vũ trong dân gian để đưa vào trong kết cấu nội dung bổn chèo nhằm làm giảm tính bi ai trong một nghi thức tế lễ thuộc về tín ngưỡng tâm linh.

Lễ hội cầu ngư chính mùa tại lăng Ông Nam Hải, thể hiện lối ứng xử nhân văn giữa con người với giới thần linh, gắn kết tình yêu trong cộng đồng, trao truyền kinh nghiệm nghề nghiệp, thời tiết, hải trình trên biển và giáo dục đạo lý ứng xử trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Hình thức thực hiện trong các nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian đặc trưng của ngư dân vùng biển Bình Thạnh, thể hiện bản sắc văn hóa biển đầy sinh động khoan thai mà gần gũi, rộn ràng mà sâu lắng và gần gũi với đời thường của ngư dân; đồng thời thể hiện nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ nghệ thuật dân gian của du khách trong cuộc sống hiện đại.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chí Phú

Bảo tàng Bình Thuận

Marketing

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn