Lễ hội văn hóa dân gian truyền thống tiêu biểu ở Phú Quý

Hệ thống lễ hội ở Phú Quý được chia thành 3 loại: lễ hội chung của cộng đồng người dân toàn đảo (lễ hội đền thờ công chúa Bàn Tranh, lễ hội đền thờ Thầy Sài Nại, lễ hội chùa Linh Quang, lễ cầu ngư vạn An Thạnh), lễ hội riêng của cộng đồng làng (lễ hội đình, lăng vạn, đền miếu) và lễ nghi trong gia đình, dòng tộc (tục thờ cúng tổ tiên,ông bà, cha mẹ).

Lễ hội dân gian tại Phú Quý

Các lễ hội trên đảo hiện nay chỉ nghiêng về phần lễ mà ít chú trọng đến phần hội. Trước đây, trong hai lễ hội dân gian truyền thống này đều gắn với phần hội khá hấp dẫn như múa tứ linh, hát sắc bùa, hát bội. Nhưng hiện nay do nhiều yếu tố tác động nên các loại hình diễn xướng dân gian nói trên dần bị mai một và mất đi. Do đó, việc nghiên cứu, phục dựng lại các trò diễn dân gian trong các dịp lễ hội tại đình, chùa, lăng vạn, đền miếu ở Phú Quý nói chung và trong lễ hội tại đền thờ công chúa Bàn Tranh và đền thờ Thầy Sài Nại nói riêng là vấn đề cấp thiết để phục vụ đời sống, sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Phú Quý cũng như thu hút du khách tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa lễ hội trong thời gian tới.

Lễ hội Phật giáo

Lễ hội phật giáo được thực hiện tại chùa Linh Quang, đây là ngôi chùa gắn liền với buổi đầu khai phá, tạo lập cuộc sống của người dân đảo. Chùa Linh Quang trở thành một trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng quan trọng của người dân Phú Quý trong hơn hai thế kỷ qua. Mùa lễ hội đến với nhà chùa và cư dân trên đảo vào các dịp tết Nguyên Đán, Thanh Minh, rằm tháng tư âm lịch (lễ Phật Đản), và rằm tháng bảy âm lịch (lễ Vu Lan), rằm tháng mười..

Chùa Linh Quang Phú Quý

Đặc sắc nhất trong lễ hội Phật giáo ở chùa Linh Quang là lễ hội Cầu an (Cầu mùa) diễn ra vào ngày 14 – 15 tháng giêng âm lịch với những nghi thức lễ mang đậm màu sắc Phật giáo cũng như tập quán và tín ngưỡng của cộng đồng người Việt sinh sống trên đảo Phú Quý.

Xem thêm: Chùa Linh Quang – Ngôi chùa lâu đời nhất tại Phú Quý

Lễ hội đền thờ công chúa Bàn Tranh

Bàn Tranh là công chúa của vua Chăm ở thế kỷ XVI, vì trái lời vua cha nên Bà bị đày ra đảo bằng một chiếc thuyền buồm cùng một số binh sĩ và lương thực. Trong suy nghĩ và tâm niệm của người dân Phú Quý, công chúa Bàn Tranh được tôn vinh là Bà Chúa Đảo, Bà Chúa Xứ, người có công khai phá đảo hoang thành ruộng rẫy, xây dựng các công trình thủy lợi để lấy nước tưới tiêu và sinh hoạt, tạo lập xóm làng đầu tiên trên đảo.

Đền thờ Công chúa Bàn Tranh

Lâu nay, việc thờ phụng và cúng tế công chúa Bàn Tranh là trách nhiệm chung của người dân trên đảo, được luân phiên giữa các làng, mỗi làng được giao trông coi đền thờ, lưu giữ sắc phong và cúng tế Bà trong một năm, sau đó được luân chuyển qua làng khác. Đây là nét mới lạ, độc đáo và riêng biệt chỉ có trên đảo Phú Quý mà ít khi thấy ở những nơi khác. Lễ hội đền thờ công chúa Bàn Tranh diễn ra vào ngày mùng 3 tháng giêng âm lịch tại đền thờ, đây cũng là ngày kỵ của Bà. Do lễ hội diễn ra đúng vào dịp tết Nguyên Đán nên thu hút hầu như toàn bộ người dân trên đảo tham gia.

Lễ hội đền thờ Thầy Sài Nại

Lễ hội đền thờ Thầy Sài Nại diễn ra vào ngày mùng 4 tháng tư âm lịch. Sau khi kết thúc lễ giao phiên Kỵ Thầy tại đền thờ Thầy Sài Nại, làng hết phiên trách sẽ chuyển giao sắc phong và việc thờ phụng, cúng tế Bàn Tranh công chúa và Thầy Sài Nại cho làng đến phiên trách tiếp theo trước sự chứng kiến của ban lâm tế, các bô lão, đại diện bổn điền của các làng. Đây là nghi thức thỉnh rước sắc thần công chúa Bàn Tranh cùng Thầy Sài Nại từ ngôi đình (đền hoặc lăng vạn) của làng mình đến đền thờ Thầy Sài Nại để cúng tế.

Xem thêm: Mộ Thầy Sài Nại ở Phú Quý

Lễ hội Cầu ngư

Lễ hội Cầu ngư được thực hiện hầu hết tại các lăng vạn mỗi làng ở Phú Quý. Trong đó, lễ hội Cầu ngư tại vạn An Thạnh – làng Triều Dương được xem là lễ hội cầu ngư lớn nhất trên đảo, thu hút hầu hết ngư dân trên đảo về tham dự. Lễ hội được tổ chức chính thức vào ngày 16 tháng mười âm lịch hàng năm, đây cũng là ngày Kỵ Cố (cúng tế Ông đầu tiên trôi dạt lên đảo). Hàng năm tại vạn An Thạnh tổ chức nhiều đợt tế lễ như: tế xuân vào tháng giêng, tế thu vào tháng tám, Kỵ Cố (lễ hội Cầu ngư) vào 16 tháng mười âm lịch, trong đó lễ Kỵ Cố (Cầu ngư) là lễ hội lớn và chính yếu nhất, đây cũng là ngày hội chung của người dân trên đảo.

Vạn An Thạnh

Ấn tượng nhất là lễ nghinh rước thần Nam Hải từ biển khơi về vạn An Thạnh. Đúng giờ xuất phát, đoàn ghe, thuyền đi theo đội hình ra khơi, trông thật lộng lẫy và hoành tráng, Lễ nghi thực hiện xong, mọi người cảm thấy thỏa mãn, và ai cũng tin rằng thần Nam Hải đã nghe thấy những lời cầu khấn, mời lễ của họ và đang lặng lẽ theo đoàn ghe, thuyền về dự lễ hội. Xong lễ ngoài khơi, đoàn ghe, thuyền đi về với đội hình thật đẹp.

Thông qua lễ hội cầu ngư, nhằm giới thiệu nét độc đáo của văn hóa lễ hội đến với du khách; khai thác có hiệu quả các hoạt động văn hóa, lễ hội gắn liền với việc quảng bá, phát triển du lịch, góp phần đa dạng hóa các tour du lịch ở Bình Thuận dưới góc độ văn hóa du lịch nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với đảo Phú Quý.

Marketing

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn