Miếu Trấn Bắc ở Hòn Tranh Phú Quý

Đền thờ Trấn Bắc (Miếu Trấn Bắc) nằm trên hòn Tranh thuộc làng Triều Dương xã Tam Thanh được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, dân trên đảo Phú Quý thường gọi là miếu Trấn Bắc.

Miếu Trấn Bắc ở Hòn Tranh Phú Quý

Đền tọa lạc ở đảo Hòn Tranh cách đảo lớn Phú Quý khoàng 1,5 hải lý về hướng Tây Nam. Do đó, người dân đến đền thờ Trấn Bắc duy nhất bằng các phương tiện giao thông đường thủy để sang đảo Hòn Tranh.

Miếu Trấn Bắc ở Hòn Tranh
Miếu Trấn Bắc ở Hòn Tranh

Kiến trúc đền thờ Trấn Bắc gồm: Cổng chính, Chính điện, nhà khói và lăng thờ thần Nam Hải. Tất cả các hạng mục tọa lạc trên một khu đất cao và xung quanh là vườn dừa che chắn râm mát quanh năm. Hướng chính của đền nhìn về phía Tây Nam. Cách đền Trấn Bắc khoảng 200m về hướng Đông Nam có giếng Gia Long, giếng sâu 7m, được xây bằng đá san hô. Giếng có nước quanh năm và rất ngọt, trong khi các giếng kề cạnh đó nước có vị lợ không uống được. Lâu nay, giếng Gia Long là nguồn cung cấp nước ngọt để uống và phục vụ sinh hoạt cho các doanh trại quân đội đóng tại đảo Hòn Tranh.

Bảng công đức Vạn An Thạnh + Tam Thôn ở Miếu Trấn Bắc

Cổng chính của đền Trấn Bắc nằm về phía trước cách Chính điện 10m, cổng được kiến tạo đơn giản có một lối đi. Sau Cổng chính là Chính điện thờ Trấn Bắc, trên đỉnh trang trí phù điêu long, phượng, giao long, cá hóa long… Mặt tiền bố trí ba cửa ra vào, nội thất lắp ghép dạng kiến trúc tứ trụ ở giữa vươn lên nâng đỡ đỉnh nóc; liên kết các vì kèo, trính, con đội và thanh xiên ngang với các cột phụ xung quanh để tạo nên bộ khung. Con đội được tạo dáng bình hoa, ở dưới phình to và lên trên thu nhỏ dần. Hai đầu trính hướng ra phía trước cửa ra vào khắc chạm thành đầu rồng.

Trung tâm nội thất Chính điện đặt 3 khám thờ, khám giữa bằng gỗ có chữ “Thần”, thờ bài vị Trấn Bắc, Chúa Ngọc Thiên Y Ana và ảnh thờ Trần Hưng Đạo; hai khám hai bên tả hữu thờ Tiền Hiền và Hậu Hiền. Khám được trang trí các họa tiết lưỡng long tranh châu, tứ linh, chim phượng và câu đối. Bên phải Chính điện, lùi về phía sau xây một lăng thờ thần Nam Hải, bên trong lưu giữ 72 bộ xương cá voi trôi dạt vào đảo Hòn Tranh từ trước đến nay.

Bắc Quân Đô Đốc có 3 sắc phong vào đời vua Đồng Khánh phong chung cho Bắc Quân Đô Đốc và thần Nam Hải, đời vua Đồng Khánh và Khải Định, các sắc phong đều được lưu giữ tại vạn An Thạnh, đến ngày cúng tế tại đền thờ Trấn Bắc mới tổ chức đoàn rước sắc phong từ vạn An Thạnh sang đền Trấn Bắc tế lễ và sau đó tổ chức rước trở về lại vạn để bảo giữ.

Miếu Trấn Bắc Hòn Tranh
Miếu Trấn Bắc Hòn Tranh

Tại đền Trấn Bắc hàng năm thực hiện hai kỳ tế lễ chính vào ngày 12 tháng ba cúng Bà Thiên Ya Na (Bà Chúa Ngọc) và ngày mùng 7 tháng tám âm lịch cúng Ông Trấn Bắc. Trình tự các nghi thức tế lễ đều theo quy trình như lễ hội diễn ra tại vạn An Thạnh.

Hiện tại trên đảo hòn Tranh chỉ có 4 hộ gia đình, nhân khẩu khoảng 10 người làm nghề trồng rẫy. Các gia đình này thay phiên nhau giữ chìa khoá trông coi đền thờ Trấn Bắc và nơi thờ cá Ông. Vì lý do đó nên dẫn đến 2 vấn đề sau đây: thứ nhất là người dân muốn trùng tu hoặc xây lớn các cơ sở tín ngưỡng thì gặp khó khăn trong việc xin phép xây dựng vì dù sao cũng là căn cứ thuộc về quân sự dẫn đến các cơ sở tín ngưỡng khá nhỏ không gian chật hẹp, thứ 2 do hạn chế việc đi lại, cúng bái nên lâu dần người dân quên đi những nơi này, không thấy ghi lại trong các cuộc khảo sát di tích, thần tích và gốc tích của các vị thần bị quên lãng không ai còn biết đến.


Marketing

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn