Nên thưởng thức món hải sản đảo Phú Quý nào nhất ?

Khi đặt chân lên đến đảo, ngoài trải nghiệm văn hóa địa phương, khám phá các địa điểm du lịch thì ẩm thực với những món hải sản đảo Phú Quý mà thực khách thường xuyên muốn trải nghiệm có thể kể đến như: cua huỳnh đế, cua mặt trăng, cá mú đỏ, cá mú bông, tôm hùm, tôm mũ ni, ốc… Tất cả đều được chế biến từ những nguyên liệu tươi ngon và tự nhiên của biển cả, tạo nên hương vị độc đáo mà bạn không thể bỏ lỡ khi đặt chân đến đảo xinh đẹp này.

Cua huỳnh đế

Cua Huỳnh đế được xem là thức quà hải sản đầu tiên nên thử khi ghé thăm hòn đảo nhỏ này. Không phải ngẫu nhiên mà cua huỳnh đế lại được ‘tôn xưng’ là vua của các loại cua. Cua huỳnh đế mang trên mình một lớp ‘áo giáp’ cực kỳ cứng, có màu hồng đỏ y chang như chiến bào, xuôi theo thân còn có lớp gai nhỏ li ti, càng to và sắc.

Cua Huỳnh Đế Phú Quý

Cua huỳnh đế là loại cua có thịt chắc ngon như tôm hùm, gạch thơm béo và chứa nhiều dinh dưỡng. Khi xưa, loài cua này chỉ được dâng lên vua chúa dùng vào các dịp mùa xuân đến, nên nó được đặt là “cua hoàng đế”, nhưng do sợ trùng tên với vua nên đổi sang tên huỳnh đế. Đặc biệt, cua Huỳnh đế tại đảo Phú Qúy mang vị thơm ngon đặc trưng.

Theo những chuyên gia ẩm thực, để món cua huỳnh đế có thể “phô” được hết cái ngon, người đầu bếp nên biến chế với rất ít gia vị, đặc biệt không nên dùng phômai, bơ, hành, tỏi… Thực khách sành điệu thường chọn hai món ngon và đơn giản nhất là cua huỳnh đế hấp ăn với muối tiêu, ớt xanh dân dã và cháo cua huỳnh đế.

Cua mặt trăng

Nhiều ngư dân ở làng chài trên đảo cho biết, cách bắt loại cua này khá dễ. Do cua có đốm tròn to trên lưng như mặt trăng nên rất dễ bị phát hiện. Cua mặt trăng thường nằm theo các khe đá san hô, di chuyển rất chậm chạp nên dù lặn xuống biển ban đêm vẫn tóm được chúng dễ dàng. Cách đây tầm 10 năm, loại cua này khá nhiều, một đêm, ngư dân có thể khai thác được từ 10 – 100kg. Tuy nhiên, những năm gần đây, cua mặt trăng ít dần đi. Nhiều ngư dân lên thuyền ra các đảo nhỏ lân cận, như Hòn Trứng, Hòn Tranh, Hòn Đỏ, Hòn Đen, Hòn Hải,… săn cua, vì thế mà giá cua mặt trăng ngày càng cao. Khi chưa qua chế biến, cua mặt trăng giá từ 400.000-600.000 đồng/kg (tùy kích cỡ). Mặc dù giá khá đắt nhưng chưa hẳn là đã mua được cua do các quán ăn, nhà hàng đặt hết.

Cua mặt trăng

Sở dĩ người ta đến Phú Quý du lịch lại tìm ăn cho bằng được cua mặt trăng là vì hiếu kỳ, đến khi được thưởng thức rồi thì đâm ra ghiền. Thịt cua mặt trăng ở đây rất khác biệt so với đảo ở những địa phương khác nên giá cũng nhỉnh hơn một chút. Tuy nhiên, để được thưởng thức loài cua này thì phải đặt trước mới có. Không như những loài cua biển khác chế biến cầu kỳ, cua mặt trăng đơn giản chỉ cần hấp cách thủy để không mất đi chất ngọt, hoặc luộc với nước dừa càng ngọt ngất ngây hơn, cũng có thể mang cua lên bếp than hồng nướng thô sẽ có mùi thơm vô cùng hấp dẫn. Đơn giản, nhanh gọn nhưng ngon miệng, đọng lại những dư vị ấn tượng cho ai từng thưởng thức. Dùng một miếng cua, chấm một ít muối tiêu chanh (hoặc muối ớt Tây Ninh), từ từ cảm nhận vị ngọt của cua trên đầu lưỡi, thật không thể diễn tả bằng lời! Thịt cua đã ngon, càng và ngoe càng thơm ngọt. So với những loại cua biển thường có chiếc ngoe ít thịt thì cua mặt trăng trữ nhiều thịt chắc bên trong, chỉ cần hút một cái là cả mảng thịt hình que chạy tọt vào miệng. Thật thú vị làm sao!

Đối với người dân chài trên đảo Phú Quý thì cua mặt trăng còn quý hơn cả cua huỳnh đế. Bởi trên bàn thờ gia tiên ngày tết, người ta thường cúng cả cua mặt trăng cùng với mâm ngũ quả. Khách từ đất liền ra chơi, khi được đãi món cua mặt trăng nướng thì có thể hiểu là bản thân được gia chủ trân quý cỡ nào.

Cá mú

Một trong các đặc sản nổi tiếng nơi đây là cá mú, một loài cá chắc thịt và rất thơm; một số con khi đánh bắt được có cân nặng lên đến cả ký, mập tròn và ngọt thịt. Cá mú có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau như chiên giòn, nấu canh chua, hấp… nhưng đặc sắc nhất vẫn là cá mú nướng mọi, chinh phục trái tim vô số thực khách phương xa có dịp nếm thử.

Cá mú nướng mọi

Món ăn này trở thành một trong những món ngon ẩm thực Phú Quý với hương vị thơm ngon riêng của đảo, mà không phải ở đâu thực khách cũng tìm ra vị ngon tương tự.

Cá mú không chỉ là loại hải sản có chứa nhiều chất dinh dưỡng mà còn là món ăn cực ngon. Từ thịt cá mú có thể chế biến được rất nhiều món ăn như: cá mú mù tạc, lẩu cá mú, cháo cá mú, nấu canh chua, hấp… nhưng đặc sắc nhất vẫn là cá mú nướng mọi, chinh phục trái tim vô số thực khách phương xa có dịp nếm thử trong chuyến du lịch Phú Quý của mình.

Để thực hiện món nướng này, người ta sẽ chọn cá mú còn tươi nguyên mới đánh bắt, làm sạch, mổ bụng cá và nướng trui trong than hồng, khi vừa chín tới có mùi thơm vô cùng hấp dẫn. Gắp từng lát thịt cá trắng phau, nóng hổi, dai dai, săn chắc mang hương vị mằn mặn của biển cả; lớp da mỏng giòn giòn vẫn còn phảng phất mùi khói, chấm với chút nước mắm Phú Quý lừng danh để tăng thêm hương vị đậm đà, đúng là không có gì vui thú hơn.

Sashimi cá mú

Gắp từng lát thịt cá trắng phau, dai dai, săn chắc mang hương vị mằn mặn của biển cả đúng là không có gì vui thú hơn

Nhiều du khách có dịp đi du lịch đến Phú Quý đã thừa nhận, ngay từ khi thử miếng cá mú nướng đầu tiên, đã cảm thấy nghiện cái hương vị rất tự nhiên, dân dã nhưng lại đậm đà và tuyệt ngon của món ăn này.

Tôm mũ ni

Tôm mũ ni còn gọi là tôm vỗ, thuộc động vật giáp xác mười chân sống nhiều ở vùng biển và đại dương ấm. Tại một số vùng ở Việt Nam, ngư dân gọi loài tôm này mà mũ ni vì xúc giác to khiến người ta liên tưởng tới chiếc mũ ni che tai. Ở Phú Quý, ngư dân có thể bắt được chúng quanh năm. Trong vô số các loại hải sản độc đáo ở xứ trầm hương, du khách khó lòng bỏ qua món đặc sản hấp dẫn này.

Có nhiều giống tôm mũ ni, trong đó mũ ni trắng và đỏ mang giá trị thương mại cao. Chúng cũng trở thành món ăn đẳng cấp ở nhiều nhà hàng. Đặc điểm chung của loại tôm này có thịt trắng tinh, mềm mà thơm ngọt, giá trị dinh dưỡng cao, giúp bồi bổ sức khỏe, dù ăn nhiều nhưng không mang cảm giác ngấy ngán.

Là nguyên liệu quý nên không cần chế biến quá cầu kỳ cũng có thể mang lại món ăn hấp dẫn. Đơn giản nhất, bạn có thể chọn món tôm mũ ni hấp, nướng sả tỏi ớt hoặc rang muối. Yêu cầu quan trọng nhất của món ăn này đòi hỏi nguyên liệu tôm phải tươi sống. Với món hấp, nướng, vỏ tôm bên ngoài chín vàng, bên trong trắng thơm dày thịt, vị ngọt đậm đà. Chỉ cần thêm chút muối tiêu chanh là đủ tôn vị thơm ngon.

Cầu kỳ hơn là món tôm chiên bơ hoặc hấp tuyết nhĩ. Tuyết nhĩ là loại thực phẩm quý, giàu chất đạm, giúp tăng cường hoạt động tế bào miễn dịch, chống ung thư, khi kết hợp với tôm mũ ni sẽ trở thành món ăn bổ dưỡng, nâng cao sức khỏe. Sau khi tôm được chải sạch lớp mai bên ngoài, người đầu bếp cho chúng lên bếp hấp cùng một số gia vị đi kèm. Tôm gần chín tiếp tục được hấp kèm tuyết nhĩ chừng 5 phút là vừa chín.

Người đầu bếp để nguyên con tôm lên đĩa, dùng dao cắt phần vỏ, lộ phần thịt tôm đỏ hồng phía ngoài, trắng ngần mềm mại bên trong, mịn dai mà không bở. Món ăn càng đậm vị hơn khi dùng kèm chút mù tạt và rượu vang.

Ốc giác

Là đặc sản nổi tiếng miền biển Phú Quý, ốc giác, còn gọi là ốc Hoàng đế, được giới sành ăn yêu thích vì phần thịt thơm ngon có thể chế biến thành nhiều món khác nhau.

Ốc giác hay còn gọi ốc Hoàng Đế, là một loài ốc cỡ lớn phân bố khắp các vùng biển châu Á. Ở Việt Nam, tùy theo từng địa phương, vùng miền mà loài ốc này có tên gọi khác như như ốc gàu hay ốc gáo, ốc giá hoặc ốc chóa đèn…

Loài ốc này có tuổi thọ khá dài, từ 4 – 31 năm, con trưởng thành nặng từ 1,5 – 2 kg. Kích thước ốc giác khá to, vỏ lớn có thể dùng như chiếc gáo múc nước. Thịt ốc giác dày, chia thành 2, phần cùi có màu trắng trong, ăn giòn sần sật và phần ruột màu nâu nhạt, mềm mềm, ăn bùi bùi.

Đến với vùng biển Phú Quý, Bình Thuận, thực khách không khó để tìm thấy các món ngon từ ốc giác.

Trong quá trình sơ chế tách thịt ốc ra khỏi vỏ, người làm phải thật khéo léo. Dù lấy vật cứng nhọn lôi thịt ốc ra sau khi luộc hay đập vỡ vỏ để lấy nguyên phần thịt sống, người làm đều phải bỏ phần gọi là “hòn hôi” trong mình ốc.

Hòn hôi có thể hiểu nôm na như phần mật trong ruột cá, nếu bị vỡ sẽ ngấm vị đắng vào thịt. Tương tự, hòn hôi là phần phải bỏ đi, để thịt ốc không bị hôi, tanh.

Ốc giác có thể chế biến thành nhiều món ngon từ luộc, nướng, xào, hấp, gỏi, cháo… Nhưng đơn giản nhất có lẽ là món ốc luộc. Phần thịt ốc được rửa thật sạch hết chất nhờn, đem luộc chín, thái xắt mỏng, chấm mắm pha gừng tỏi ớt.

Gỏi ốc giác là một trong những món ngon không thể bỏ qua khi ăn hải sản Phú Quý. Ốc giác làm gỏi ngon là những con thịt còn tươi, cơ thể vẫn tiết chất nhầy, nhớt. Những con ốc mặt khô ráo, ít chất nhờn nữa là ốc cũ, đã đánh bắt lâu ngày, thịt dai, có mùi hơi khó chịu. Mùa mưa thịt ốc giác ngon hơn mùa khô.

Thịt ốc giác tươi có thể được trộn gỏi cùng hoa chuối, xoài xanh, rau răm hoặc đơn giản với chút rau thơm như húng, bạc hà, hành tây… gia giảm đường, dấm, mắm, ớt, tiêu cho vừa ăn. Người làm có thể thêm đậu phộng, hành phi cho tròn vị. Gỏi ốc giác ăn kèm bánh tráng, bánh phồng tôm… tùy nhà hàng.

Ngoài món Ốc Giác này, Quý thực khách có thể tham khảo và thưởng thức món Ốc bàn tay tại Phú Quý.



Marketing

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn