Mũi Né ngày nay là một vùng đất thơ mộng, quyến rủ vớ i những đồi cát vàng, bãi biển xanh… thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhưng mấy ai biết xưa kia Mũi Né là vùng đất hoang sơ không dấu chân người lui tới. Địa danh “xóm Ba Chòi” đã phần nào phản ánh điều đó.
Mũi Né nay là một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận. Địa danh Mũi Né mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Né có nghĩa nôm na là tránh, trốn, không muốn gặp. Trong các văn bản Hán Nôm, địa danh Mũi Né được ghi đầy đủ là Vị Nê vịnh cảng 渭 泥 泳 港 (tức vịnh cảng Vị Nê). Vị Nê chỉ có nghĩa là sông bùn không bao hàm nghĩa của một nơi tránh gió bão. Theo chúng tôi, Vị Nê là một cách đọc phiên âm Hán Việt của từ Mũi Né. Lại có ý kiến khác cho rằng hai từ Mũi Né xuất xứ từ tiếng Chăm Bia Aneh (Mũi biển nhỏ), lâu ngày Việt hóa thành Mũi Né. Người Pháp lại ghi nhận là Cap de Né trên các bản đồ do họ thiết lập. Ngày nay, địa danh Mũi Né được dùng thống nhất trong các văn bản pháp lý cũng như sử dụng rộng rãi trong dân chúng và được hiểu là nơi tránh gió của ghe thuyền.
Sách Đại Nam nhất thống chí dưới triều Nguyễn có ghi nhận về Mũi Né như sau: “núi Vị Nê ở phía Tây Nam huyện, giữa một dải động cát dăng ngang ở bãi biển nổi lên một núi, có ghềnh đá gọi là mũi (Mũi Né), phía Nam mũi có vũng biển, thuyền gặp gió có thể vào đậu. Phía đông có hòn đảo ở trong biển, tục gọi hòn Lao. Trên vũng có điếm canh. Gần đấy có núi Mụ Đặng, núi Tà Bông, núi Lô Tô, núi Giám Trạng, núi La Thô, núi Cà Tung, núi Thạch Khê, núi Tà Cú, núi Tiên Tỉnh, núi Đài Sơn. Đó là những ghi nhận hết sức vắn tắt nhưng cũng khá đầy đủ về vùng đất Mũi Né xưa kia.
Một số di tích còn tồn tại cũng góp phần minh chứng cho quá trình định cư của cư dân vùng Mũi Né. Đó là Khu di tích mộ Tiền hiền Mũi Né hiện tọa lạc ngay mặt tiền đường gần ngôi chợ Mũi Né. Trong khu di tích hiện còn 3 phần mộ. Đó là ngôi mộ song hồn của ông bà Huỳnh Công Mao và Nguyễn Thị Liễu, mộ ông Huỳnh Công Thạch (?-1883) và mộ bà Huỳnh Thị Ích là hai ngôi mộ của con trai trưởng và con gái ông Huỳnh Công Mao. Theo mộ chí thì ông Huỳnh Công Mao sinh năm Nhâm tý (1852) và bà Nguyễn Thị Liễu sinh năm Nhâm tuất (1862) tính đến nay đã trên dưới hơn 150 năm.
Cũng xin nói thêm đôi điều về tấm Bia ghi ơn cụ cố Huỳnh Công Mao, Tiền hiền xã Khánh Thiện trong khu di tích Tiền hiền. Nội dung bia có ghi: “Năm 1886 ông Huỳnh Công Thạch trưởng nam cụ cố Tiền hiền có phụng một số ruộng tục danh là ruộng Đa Mưu tọa lạc tại xã Tùy Hòa cho xã để làm hương hỏa. Xã Khánh Thiện tu tạo. Mùa đông năm Quý mão 1963”. Trong khu vực di tích có mộ ông Huỳnh Công Thạch cho biết ông qua đời vào năm Tự Đức thứ 35 (1883). Như vậy, ông không thể phụng cúng ruộng cho xã vào năm 1886. Chúng tôi ngờ rằng tấm mộ chí trên mộ ông Huỳnh Công Thạch có sự nhầm lẫn về năm mất của ông.
Tư liệu Hán Nôm do đình Khánh Thiện còn lưu giữ cũng có nói rõ về điều này. Năm Đồng Khánh thứ hai (1886), ông Thủ sắc Huỳnh Công Thạch cùng sương phụ Vi Thị Phú và cháu Huỳnh Thị Đích ở làng Khánh Thiện, tổng Lại An, huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận có bán đứt một sở ruộng là “ba mẫu chín sào sáu thước bốn tấc” tọa lạc tại địa bộ làng Tùy Hòa cho xã Khánh Thiện làm ruộng hương hỏa với giá tiền “bốn ngàn năm trăm quan”. Tuy nhiên, gia đình ông Huỳnh Công Thạch chỉ lấy ba ngàn quan còn “một ngàn năm trăm quan” thì phụng cúng lại cho làng.
Về nguồn gốc cư dân, có thể nói họ vốn từ miền Ngũ Quảng hoặc nói chính xác hơn là ở Quảng Nam, Quảng Bình vào sinh sống ở Mũi Né. Thôn Thạch Long là một trong những nơi định cư đầu tiên của cư dân khi đặt chân đến đây. Ngày nay, thôn Thạch Long thuộc khu phố 12, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết.
Trong các bài văn tế hiện còn lưu giữ tại vạn Thạch Long có nói rõ nguồn gốc của cư dân. Phần mở đầu bài văn tế có đề cập đến “thôn Lý Hòa thuộc tổng Hà Bạc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình” vốn là nguyên quán của lớp người đến lập nghiệp nơi đây. Họ là những người đi biển từ miền ngoài vào, thường ghé vào Gành Trước và Gành Sau của Mũi Né để tránh gió theo từng mùa và lấy nước ngọt. Mùa gió nồm thì ở Gành Sau, mùa gió bấc thì neo Gành Trước. Qua thời gian làm ăn sinh sống, họ nhận thấy ở Mũi Né còn có nhiều điều kiện thuận lợi cho cuộc sống. Đó là ngư trường rộng lớn có thể đánh bắt hải sản quanh năm, đất đai hoang vu và nguồn nước ngọt dồi dào… Từ cơ sở đó, họ đã đưa gia đình, bà con thân thuộc vào mở mang, khai phá, sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất trù phú này.
Trong dân gian vẫn còn lưu lại một truyền thuyết kể về quá trình sinh cơ lập nghiệp của ba anh em Hiệp, Búa, Đinh. Đó là từ thuở xa xưa khi vùng đất Mũi Né còn hoang sơ chưa có dấu chân người lai vãng. Nơi đây còn lắm cọp nhiều beo, không ai dám ở chỉ có ngư dân từ các miền ngoài theo đường biển vào đánh bắt hải sản là ghé lại tránh gió trú mưa. Trong đó có ba anh em nhà ông Hiệp, Búa, Đinh là những người đầu tiên trụ lại khai phá mảnh đất này. Họ đã dựng ba cái chòi thật cao tại vị trí vạn Thạch Long ngày nay để trú ngụ. Ban ngày, họ dong thuyền lưới cá. Đêm đến họ đánh bẫy thú rừng. Cứ thế họ làm ăn, sinh sống trên dải đất xinh đẹp và trù phú này. Địa danh xóm Ba Chòi được mọi người biết đến từ đó. Truyền thuyết về xóm Ba Chòi của ba anh em nhà Rìu, Búa, Đinh nay vẫn còn được nhắc đến như một minh chứng cho sự tồn tại của cư dân vùng Mũi Né. Mặc dù sống xa quê hương nhưng những người dân định cư nơi đây vẫn luôn nhớ đến quê nhà. Trong các bản văn tế tiền nhân để lại vẫn nhắc nhở đến nguyên quán, tổ tông. Và các vị thần được phụng thờ nơi quê cũ cũng được thờ vọng tại tha hương như Chúa Tiên Thánh phi Diệu phù Thục nữ Quảng Ngãi Thượng đẳng thần.
Truyền thuyết đã trở thành hiện thực khi ngày nay, nhân dân làng Thạch Long đã tôn ba ông Hiệp, Búa, Đinh là Tiền hiền của làng. Tên tuổi của các ông được ghi nhận trong sổ đinh của làng Thạch Long. Nguồn gốc, quê quán của các ông càng được sáng tỏ khi người trong họ Nguyễn ở Đập Đá, An Nhơn, Bình Định lần theo gia phả và tìm được manh mối tại làng Thạch Long, Mũi Né.
Truyền thuyết ấy đã tạo nên một hình ảnh mang nhiều ý nghĩa về nguồn gốc tổ tiên, ông bà, những bậc Tiền hiền, Hậu hiền đã khai khẩn và chinh phục vùng đất Mũi Né này – vùng đất nay đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước./.
Tác giả bài viết: Võ Tâm – BQL Di tích tháp Pô Sah Inư
Sách Đại Nam nhất thống chí dưới triều Nguyễn có ghi nhận về Mũi Né như sau: “núi Vị Nê ở phía Tây Nam huyện, giữa một dải động cát dăng ngang ở bãi biển nổi lên một núi, có ghềnh đá gọi là mũi (Mũi Né), phía Nam mũi có vũng biển, thuyền gặp gió có thể vào đậu. Phía đông có hòn đảo ở trong biển, tục gọi hòn Lao. Trên vũng có điếm canh. Gần đấy có núi Mụ Đặng, núi Tà Bông, núi Lô Tô, núi Giám Trạng, núi La Thô, núi Cà Tung, núi Thạch Khê, núi Tà Cú, núi Tiên Tỉnh, núi Đài Sơn. Đó là những ghi nhận hết sức vắn tắt nhưng cũng khá đầy đủ về vùng đất Mũi Né xưa kia.
Một số di tích còn tồn tại cũng góp phần minh chứng cho quá trình định cư của cư dân vùng Mũi Né. Đó là Khu di tích mộ Tiền hiền Mũi Né hiện tọa lạc ngay mặt tiền đường gần ngôi chợ Mũi Né. Trong khu di tích hiện còn 3 phần mộ. Đó là ngôi mộ song hồn của ông bà Huỳnh Công Mao và Nguyễn Thị Liễu, mộ ông Huỳnh Công Thạch (?-1883) và mộ bà Huỳnh Thị Ích là hai ngôi mộ của con trai trưởng và con gái ông Huỳnh Công Mao. Theo mộ chí thì ông Huỳnh Công Mao sinh năm Nhâm tý (1852) và bà Nguyễn Thị Liễu sinh năm Nhâm tuất (1862) tính đến nay đã trên dưới hơn 150 năm.
Cũng xin nói thêm đôi điều về tấm Bia ghi ơn cụ cố Huỳnh Công Mao, Tiền hiền xã Khánh Thiện trong khu di tích Tiền hiền. Nội dung bia có ghi: “Năm 1886 ông Huỳnh Công Thạch trưởng nam cụ cố Tiền hiền có phụng một số ruộng tục danh là ruộng Đa Mưu tọa lạc tại xã Tùy Hòa cho xã để làm hương hỏa. Xã Khánh Thiện tu tạo. Mùa đông năm Quý mão 1963”. Trong khu vực di tích có mộ ông Huỳnh Công Thạch cho biết ông qua đời vào năm Tự Đức thứ 35 (1883). Như vậy, ông không thể phụng cúng ruộng cho xã vào năm 1886. Chúng tôi ngờ rằng tấm mộ chí trên mộ ông Huỳnh Công Thạch có sự nhầm lẫn về năm mất của ông.
Tư liệu Hán Nôm do đình Khánh Thiện còn lưu giữ cũng có nói rõ về điều này. Năm Đồng Khánh thứ hai (1886), ông Thủ sắc Huỳnh Công Thạch cùng sương phụ Vi Thị Phú và cháu Huỳnh Thị Đích ở làng Khánh Thiện, tổng Lại An, huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận có bán đứt một sở ruộng là “ba mẫu chín sào sáu thước bốn tấc” tọa lạc tại địa bộ làng Tùy Hòa cho xã Khánh Thiện làm ruộng hương hỏa với giá tiền “bốn ngàn năm trăm quan”. Tuy nhiên, gia đình ông Huỳnh Công Thạch chỉ lấy ba ngàn quan còn “một ngàn năm trăm quan” thì phụng cúng lại cho làng.
Về nguồn gốc cư dân, có thể nói họ vốn từ miền Ngũ Quảng hoặc nói chính xác hơn là ở Quảng Nam, Quảng Bình vào sinh sống ở Mũi Né. Thôn Thạch Long là một trong những nơi định cư đầu tiên của cư dân khi đặt chân đến đây. Ngày nay, thôn Thạch Long thuộc khu phố 12, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết.
Trong các bài văn tế hiện còn lưu giữ tại vạn Thạch Long có nói rõ nguồn gốc của cư dân. Phần mở đầu bài văn tế có đề cập đến “thôn Lý Hòa thuộc tổng Hà Bạc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình” vốn là nguyên quán của lớp người đến lập nghiệp nơi đây. Họ là những người đi biển từ miền ngoài vào, thường ghé vào Gành Trước và Gành Sau của Mũi Né để tránh gió theo từng mùa và lấy nước ngọt. Mùa gió nồm thì ở Gành Sau, mùa gió bấc thì neo Gành Trước. Qua thời gian làm ăn sinh sống, họ nhận thấy ở Mũi Né còn có nhiều điều kiện thuận lợi cho cuộc sống. Đó là ngư trường rộng lớn có thể đánh bắt hải sản quanh năm, đất đai hoang vu và nguồn nước ngọt dồi dào… Từ cơ sở đó, họ đã đưa gia đình, bà con thân thuộc vào mở mang, khai phá, sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất trù phú này.
Trong dân gian vẫn còn lưu lại một truyền thuyết kể về quá trình sinh cơ lập nghiệp của ba anh em Hiệp, Búa, Đinh. Đó là từ thuở xa xưa khi vùng đất Mũi Né còn hoang sơ chưa có dấu chân người lai vãng. Nơi đây còn lắm cọp nhiều beo, không ai dám ở chỉ có ngư dân từ các miền ngoài theo đường biển vào đánh bắt hải sản là ghé lại tránh gió trú mưa. Trong đó có ba anh em nhà ông Hiệp, Búa, Đinh là những người đầu tiên trụ lại khai phá mảnh đất này. Họ đã dựng ba cái chòi thật cao tại vị trí vạn Thạch Long ngày nay để trú ngụ. Ban ngày, họ dong thuyền lưới cá. Đêm đến họ đánh bẫy thú rừng. Cứ thế họ làm ăn, sinh sống trên dải đất xinh đẹp và trù phú này. Địa danh xóm Ba Chòi được mọi người biết đến từ đó. Truyền thuyết về xóm Ba Chòi của ba anh em nhà Rìu, Búa, Đinh nay vẫn còn được nhắc đến như một minh chứng cho sự tồn tại của cư dân vùng Mũi Né. Mặc dù sống xa quê hương nhưng những người dân định cư nơi đây vẫn luôn nhớ đến quê nhà. Trong các bản văn tế tiền nhân để lại vẫn nhắc nhở đến nguyên quán, tổ tông. Và các vị thần được phụng thờ nơi quê cũ cũng được thờ vọng tại tha hương như Chúa Tiên Thánh phi Diệu phù Thục nữ Quảng Ngãi Thượng đẳng thần.
Truyền thuyết đã trở thành hiện thực khi ngày nay, nhân dân làng Thạch Long đã tôn ba ông Hiệp, Búa, Đinh là Tiền hiền của làng. Tên tuổi của các ông được ghi nhận trong sổ đinh của làng Thạch Long. Nguồn gốc, quê quán của các ông càng được sáng tỏ khi người trong họ Nguyễn ở Đập Đá, An Nhơn, Bình Định lần theo gia phả và tìm được manh mối tại làng Thạch Long, Mũi Né.
Truyền thuyết ấy đã tạo nên một hình ảnh mang nhiều ý nghĩa về nguồn gốc tổ tiên, ông bà, những bậc Tiền hiền, Hậu hiền đã khai khẩn và chinh phục vùng đất Mũi Né này – vùng đất nay đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước./.
Tác giả bài viết: Võ Tâm – BQL Di tích tháp Pô Sah Inư