Di tích Kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Po Nit

VUA PO NIT

Theo biên niên sử của người Chăm và một số tài liệu của các học giả người Pháp từ những năm đầu thế kỷ XX, thì trước khi lên ngôi vua, Po Nit xuất thân từ một viên tướng tài giỏi, có tài cầm quân chống lại sự xâm lăng của các lân quốc từ phía Bắc vào và từ phía Nam ra. Nhất là chống lại quân của triều đình nhà Nguyễn đang trên đà mở rộng đất đai về phương Nam trong khí thế hùng mạnh. Với những khả năng đó Po Nit được tôn vinh làm vua và chính thức lên ngôi từ năm 1603 - 1613. Trong 10 năm trị vì đất nước Po Nit đã có những đóng góp đáng kể, đất nước thời kỳ này được yên bình trong những khoảng thời gian nhất định, nhân dân được yên ổn làm ăn, họa xâm lăng của các lân quốc láng giềng cũng bớt đi sự đe dọa. Cũng trong thời kỳ này Po Nit cũng đã cho khôi phục và phát triển lực lượng quân đội để bảo vệ phần đất còn lại của vương quốc về phía Nam.

Trong giai đoạn này, nhiều lần quân Chămpa đánh lấn ra mãi tận tỉnh Phú Yên đang trong tầm kiểm soát của triều Nguyễn. Để giữ thế hòa hoãn và tạo tiền đề cho mối bang giao hai nước được êm đẹp, chúa Nguyễn đã gả công chúa cho Pônit làm thứ phi và sau này được phong là hoàng hậu. Điều đó cũng chứng tỏ uy quyền và sức mạnh của vương quốc Chămpa dưới triều Po Nit, khiến cho chúa Nguyễn phải dùng đến nghệ thuật ngoại giao mềm mỏng, nhờ đó đã củng cố được nền hòa hiếu một thời gian khá dài giữa hai nước Đại Việt - Chămpa.

Ở ngôi báu và trị vì thiên hạ được 10 năm, Po Nit nhường ngôi lại cho người em trai là Chài Pran tiếp tục trị vì, còn ông lui lại phía sau triều chính cho đến lúc qua đời. Sau khi mất, theo truyền thống và phong tục tập quán của người Chăm Bàlamôn thi hài ông được thiêu. Triều đình và dòng tộc đã lập đền thờ và tạc tượng để thờ phụng ông mãi cho đến ngày nay.

ĐỀN THỜ VUA PO NIT

Giữa thế kỷ XVII đền thờ Po Nit được xây dựng trên một ngọn đồi cao bên hữu ngạn sông Phan Rí (đoạn cuối của Sông Lũy) nay thuộc xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình. Nếu như trước đây khi đất nước còn yên bình và nhân tài vật lực đầy đủ, kỹ thuật xây dựng tháp còn bảo lưu thì chắc chắn Po Nit sẽ xứng đáng được thờ trong lòng những ngôi tháp. Nhưng vì những lý do khách quan đó mà người Chăm thời kỳ này đã quyết định xây dựng đền thờ, tạc tượng để thờ phụng Ngài cùng hai bà hoàng hậu, cận thần trong triều. Nhiều thợ giỏi được huy động từ các nơi đến để xây dựng đền thờ, nhất là để tạc tượng và trang trí ngôi đền.


Năm 1973, tức là hơn 300 năm sau do chiến tranh ở khu vực này ngày càng ác liệt, mặt khác việc đi lại chăm nom ngôi đền thờ cũng như việc thực hiện các lễ nghi tôn giáo, lễ hội của đồng bào Chăm gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm, nên các vị chức sắc sau khi có ý kiến của nhân dân đã cho dời ngôi đền từ vị trí này về địa điểm gần làng Thanh Hiếu, xã Phan Hiệp hiện nay. Địa điểm này đến trung tâm huyện lỵ Bắc Bình khoảng 2km về hướng Đông, cách thành phố Phan Thiết 67 km theo hướng Bắc dọc theo Quốc lộ 1A.

Theo truyền thống xưa của người Chăm, những đền tháp thờ thần thì cổng và cửa chính thường quay về hướng Đông. Ngôi đền có 4 gian phòng thờ tương ứng với 4 nóc bên trên. Trong 4 gian thờ thì có 3 nóc hướng về phía Đông. Đó là nơi thờ vua Po Nit, nơi thờ hoàng hậu và gian sảnh. Riêng nơi thờ vị tướng Po Kay Mách (người Hồi giáo) thì cửa trổ về hướng Bắc. Cả 4 nóc của đền thờ đều có trang trí phần đỉnh, trong đó có 3 nóc gắn Makara (giống như rồng trên nóc chùa Việt) còn đền thờ 2 bà hoàng hậu lại trang trí bằng đôi chim phượng lớn trên nóc.

Gian phòng trung tâm của đền thờ đặt tượng vua Po Nit. Theo các nguồn tài liệu lưu truyền trong dòng tộc hậu duệ nhà vua, lúc Po Nit còn sống các nhà điêu khắc tài giỏi của người Chăm được mời đến để họa hình và làm tượng mẫu. Đây là việc hệ trọng nên các số liệu rất chuẩn mực, do vậy pho tượng nhà vua có thân hình đẹp, cân đối và giống với Ngài lúc sinh thời. Pho tượng mô tả vị vua đang ngồi, đầu đội vương miện hình ống chếch về phía trước, chạm nổi nhiều hoa văn xung quanh. Đây là một trong những pho tượng đá cuối cùng của nghệ thuật điêu khắc đá. Ngoài tượng vua Po Nit sau đó vài chục năm có thêm tượng vua Po Klong Mơh Nai, vua Po Klong Gahul, vua Po Rô Mê và vua Po Nraup. Từ thời gian này trở về sau không còn một tượng nào được tạo tác nữa, và cũng từ đây nghề điêu khắc tạc tượng đá nổi tiếng có hơn một thiên niên kỷ của người Chăm đã chấm dứt.

Nối liền với đền thờ vua Po Nit về phía Bắc và thông cửa với nhau là gian phòng thờ hai bà hoàng hậu (một hoàng hậu Chăm và một hoàng hậu Việt). Trong đền thờ đặt 8 tượng đá có thể khối tương đối lớn, trong đó có 2 pho tượng của hai bà hoàng hậu, còn lại 6 tượng chia thành hai hàng, hàng đầu 4 tượng Kut và tượng 2 bà hoàng hậu; hàng sau 2 tượng Kut khác. Tất cả đều quay mặt về hướng chính của đền thờ; cũng như tượng vua Po Nit, hai pho tượng hoàng hậu được chạm khắc công phu tinh tế, thể hiện rõ nét thân thể của người phụ nữ và cách trang phục.

Phía bên tả và bên hữu đền thờ còn có 2 khu đặt 10 tượng Kut bằng đá màu xanh xám. Đây là những người có công lớn trong việc xây dựng triều chính, được vương triều công nhận. Do quy định chung trong Bàlamôn giáo: chỉ có nhà vua, hoàng hậu mới được tạc tượng giống với người thật. Còn lại những người có thứ bậc trong vương triều cũng được tạc tượng Kut bằng đá, nhưng tượng cũng chỉ có những nét cơ bản mà thôi, không mô tả kỹ về khuôn mặt hay các bộ phận khác của cơ thể. Đa phần số tượng Kut này có dạng giống như hình người, có đầu và có hai vai, phần trước gần như được chạm khắc toàn bộ với nhiều hoa văn nổi dày.

Bộ sắc phong: Do có nhiều cống hiến cho tính hòa hiếu giữa hai vương triều và hai Nhà nước phong kiến Việt - Chăm nên vua Po Nit đã được một số vua triều Nguyễn ban tặng 8 sắc phong dưới các triều vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định. Hiện những điệu sắc này đang được dòng tộc hậu duệ vua Po Nit lưu giữ cùng với những kỷ vật của nhà vua và vương triều. Hàng năm khi đến các ngày giỗ, hay lễ lạt, những kỷ vật này được đưa ra.

Đền thờ Po Nit là một trong những điểm chính để đồng bào Chăm lưu giữ các nghi thức tôn giáo, lễ hội văn hóa dân gian cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Việc tồn tại đền thờ Po Nit đồng nghĩa với sự bảo lưu vốn văn hóa truyền thống một phần quan trọng về di sản văn hóa của người Chăm không chỉ ở Bắc Bình mà cho cả đại bộ phận người Chăm hôm nay và những thế hệ mai sau.


LỄ HỘI

Ở đền thờ Po Nit lễ hội Katê được tổ chức theo thời gian như ở các đền tháp khác của người Chăm. Lễ được tổ chức vào ngày mùng một tháng 7 Chăm lịch. Quy trình của lễ hội từ hình thức đến nội dung tương ứng như các nơi khác. Nhưng thuận lợi hơn vì ngôi đền ở gần làng nên công tác hậu cần và phương tiện phục vụ lễ hội đầy đủ và tốt hơn các đền tháp khác. Ngoài lễ hội Katê tại đền thờ Po Nit thỉnh thoảng dân làng mới làm lễ Cầu đảo khi có những năm quá hạn hán. Lễ được tổ chức vào tháng 4 Chăm lịch chuẩn bị cho việc xuống cày gieo hạt. Đền thờ Po Nit chứa đựng đầy đủ các giá trị văn hóa đặc sắc của người Chăm từ đầu thế kỷ XVII đến nay đã hơn 400 năm. Tiêu biểu là bộ sưu tập tượng đá với 21 tượng, thể hiện trình độ và nghệ thuật điêu khắc tại đây đã thực sự đem lại cho nghệ thuật Chămpa nhiều kiệt tác có thể sánh được với những tác phẩm trong lịch sử của tổ tiên là điểm đến cho du khách tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa đặc sắc của người Chăm./.

Marketing

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn