Di tích lịch sử Trường Dục Thanh

Dục Thanh (viết tắt của: Giáo Dục Thanh Thiếu Niên) là một ngôi trường ở thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) mà Nguyễn Tất Thành (sau này là Hồ Chí Minh) đã từng dạy học ở đó.


Trường Dục Thanh là một cơ sở của Công ty Liên Thành – một tổ chức yêu nước nổi tiếng được thành lập hồi đầu thế kỷ 20 gồm ba bộ phận với ba chức năng:

  1. Liên Thành Thương quán: làm kinh tế gây quỹ hoạt động
  2. Liên Thành Thư xã: tuyên truyền và truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước
  3. Dục Thanh Học hiệu: mở trường dạy cho con em người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ do các nhà chí sĩ Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (là hai con trai nhà thơ Nguyễn Thông), Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất sáng lập ở Phan Thiết, nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân mà Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ.


Công ty Liên Thành hoạt động có hiệu quả, bí mật đóng góp một phần tài chính cho phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Liên Thành thư xã do Nguyễn Hiệt Chi phụ trách mời nhiều diễn giả đến diễn thuyết, trong đó có Phan Châu Trinh, gây được tiếng vang sôi nổi. Đặc biệt Dục Thanh học hiệu đã đào tạo được một lớp trẻ học tập theo sách vở và tinh thần mới.


Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907(cùng năm xây dựng với trường Đông Kinh Nghĩa Thục) nằm ở làng Thành Đức (ngày nay là nhà số 39 phố Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, Phan Thiết.

Năm 1910, Nguyễn Tất Thành được ông nghè Trương Gia Mô giới thiệu, đã đến Phan Thiết dạy học tại ngôi trường này. Lúc ấy, trường có khoảng 60 học sinh và 7 thầy giáo giảng dạy các bộ môn: Hán văn, Pháp văn, thể dục… Một trong những học sinh của trường là Nguyễn Kinh Chi con cụ Nguyễn Hiệt Chi, về sau là Bác sĩ, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam dân chủ cộng hòa, đại biểu Quốc hội khóa I – IV, là học trò trực tiếp của thầy Nguyễn Tất Thành. Nguyễn Tất Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy Chữ Quốc ngữ và Hán văn. Trong thời gian này, ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, Nguyễn Tất Thành còn truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh. Trong những giờ học ngoại khóa hay những lúc rảnh, Nguyễn Tất Thành còn dẫn học sinh của mình du ngoạn cảnh đẹp ở Phan Thiết như bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, Đình làng Đức Nghĩa.

Tháng 2 năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh và Phan Thiết vào Sài Gòn. Một vài năm sau, ông Nguyễn Trọng Lội qua đời, ông Nguyễn Quý Anh chuyển vào Sài Gòn, không còn ai phụ trách và vì nhiều lý do khách quan khác nên trường đóng cửa vào năm 1912, nhưng Công ty Liên Thành thì vẫn hoạt động mãi đến sau này. Hiện di tích Trường Dục Thanh và Công ty Liên Thành ở thành phố Phan Thiết đã được tỉnh Bình Thuận tôn tạo, bảo quản giữ gìn, là một địa điểm văn hóa du lịch của cả nước.





Marketing

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn