Lễ hội dinh Thầy Thím ra đời và tồn tại gắn liền với sự hình thành của thiết chế thờ tự dinh và mộ Thầy Thím, đây chính là không gian linh thiêng, trang trọng để người dân địa phương và du khách thập phương đến bái tế và thực hiện các lễ nghi, lễ hội truyền thống gắn với tập tục, tín ngưỡng có từ lâu đời của cộng đồng.
Lễ hội dinh Thầy Thím diễn ra từ ngày 14 - 16 tháng 9 Âm lịch hàng năm với nhiều nghi lễ nối tiếp nhau như: Nghinh Thần, Nhập điện an vị (diễn ra vào buổi sáng ngày 14/9 Âm lịch); Dâng cộ bánh lên Thầy Thím, Cúng Ngọ (diễn ra vào buổi sáng ngày 15/9 Âm lịch); Thỉnh sanh, Tế Tiền hiền và Chánh tế Thần (diễn ra vào buổi sáng ngày 16/9 Âm lịch). Bên cạnh đó là phần hội với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian và hoạt động văn hóa - thể thao hấp dẫn như: Thi đấu cờ người, thi làm bánh, đan lưới, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, kéo co, việt dã, bóng chuyền bãi biển, biểu diễn lân - sư - rồng, triển lãm mô hình sự tích Thầy Thím, trình diễn trống hội, chương trình nghệ thuật dân tộc...
Lễ hội dinh Thầy Thím từ lâu được coi là Lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu không chỉ của cộng đồng người dân địa phương mà còn được coi là di sản văn hóa chung của nhiều tỉnh, thành lân cận ở khu vực phía Nam. Lễ hội phản ánh sâu sắc những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng người dân địa phương, thể hiện sự thành kính và biết ơn công lao của Thầy Thím (được tôn vinh như vị Thần bảo trợ) và ông bà, tổ tiên đã có công tạo dựng, bảo bọc và chở che cho dân làng được khỏe mạnh, cuộc sống bình an, no ấm và hạnh phúc. Không gian Lễ hội còn là nơi củng cố, tăng cường mối đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư; nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức, nhân cách sống, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau, hình thành nên một nếp sống cao đẹp và tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt hơn.
Lễ hội dinh Thầy Thím là nhu cầu hưởng thụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp Nhân dân, là hình thức giáo dục, chuyển giao của các thế hệ đi trước cho các thế hệ đi sau biết gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Lễ hội cũng là dịp để con người được giải bày những phiền muộn, lo âu với Thần linh, cầu mong được Thần linh giúp đỡ, chở che để vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống thường ngày.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu đó; trong năm 2021, Sở VHTTDL đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh phối hợp với các ngành chức năng thị xã La Gi tiến hành khảo sát, thu thập tư liệu, nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học “Lễ hội dinh Thầy Thím, xã Tân Tiến, thị xã La Gi” trình Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 12/01/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 62/QĐ-BVHTTDL đưa “Lễ hội dinh Thầy Thím, xã Tân Tiến, thị xã La Gi” vào Danh mục di sản văn hóa phí vật thể quốc gia.